Sân banh Cần Giuộc do ông Đỗ Phát Thanh – người Trường Bình xây dựng vào khoảng năm 1937. Đây là nơi ghi dấu sự kiện đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng hy sinh vào ngày 4//5/1941.
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, đây là thời điểm cuộc khởi nghĩa Cần Giuộc nói riêng và cả Nam bộ nói chung bị địch khủng bố dữ dội. Chúng kết hợp với bọn chỉ điểm lùng sục bắt bớ, đốt phá tập trung ở hai xã Phước Lại và Long Hậu Tây.
Ngày 14/12/1940, khoảng 3 giờ chiều, đồng chí Nguyễn Thị Bảy và đồng chí Nam đi xuồng qua Phước Lại dự định sang kinh Hàng (Phước Vĩnh Đông) để tước súng của Hương Chánh Gần. Đến bến đò Long Phước Đông bất ngờ gặp lính đi càn quét, dự đoán tình hình sẽ bị lộ, hai đồng chí cập xuồng vào bờ. Đồng chí Nam lên bờ cầm theo súng, bị lính lê dương rượt theo bắn chết tại ruộng, còn đồng chí Bảy nhảy xuống sông bị địch bắt lên chở về đồn.
Biết Nguyễn Thị Bảy là Đảng viên Cộng sản lãnh đạo đấu tranh ở Cần Giuộc và chính là người trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Cần Giuộc nên địch tra tấn chị dã man. Nhưng trước khí tiết bất khuất của người nữ chiến sĩ cách mạng chúng đành bất lực. Lúc 9 giờ ngày 4/5/1941, chị Nguyễn Thị Bảy bị thực dân Pháp đưa về sân banh Cần Giuộc xử tử cùng với các đồng chí khác. Một loạt súng nổ từ phía 25 tên lính lê dương đã cướp đi sự sống của Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ yêu nước.
Di tích là bằng chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khí tiết của người cộng sản. Gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ yêu nước là sự kế thừa truyền thống anh hùng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, một tấm gương sáng đáng lưu truyền muôn thế hệ. Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng ấy, Khu vực Sân banh Cần Giuộc (Công viên Nguyễn Thị Bảy hôm nay) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 851/UB.QĐ.93 ngày 19 tháng 4 năm 1993.