DI TÍCH MỘ VÀ ĐỀN THỜ TỔNG LÃNH BINH NGUYỄN VĂN TIẾN

My Le Ward, Can Duoc City, Long An Province
phongvhtt.canduoc@longan.gov.vn
02723881249

Service

Description

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

MỘ VÀ ĐỀN THỜ TỔNG LÃNH BINH NGUYỄN VĂN TIẾN

(Ấp Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

  Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1848 tại chợ Quản Tập (nay thuộc thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Mới 16 tuổi, ông đã tham gia vào hàng ngũ nghĩa quân chiến đấu dưới cờ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định. Với tài võ nghệ, mưu trí và ý chí căm thù giặc sâu sắc, ông đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, làm cho giặc Pháp phải khiếp vía. Chẳng bao lâu ông được làm Chưởng cơ điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay. Năm 1868, khi Nguyễn Trung Trực mất, ông được tôn làm Tổng lãnh binh để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Dưới tài lãnh đạo của ông, nghĩa quân đã hoạt động mạnh trên một địa bàn rộng lớn từ Cần Đước đến Biên Hòa, Bà Rịa.

Năm 1883, trong một trận đánh ở Bình Đăng (Bình Hưng- quận 8- TPHCM ngày nay), giặc Pháp bắt được ông. Ngày mùng 3/10/Quý Mùi (22/11/1883) giặc Pháp đã đưa Nguyễn Văn Tiến ra xử chém ở chợ Trạm. Chứng kiến những giây phút oanh liệt cuối cùng của Nguyễn Văn Tiến, nhân dân xung quanh chợ Trạm không ai cầm được nước mắt. Sau khi giặc Pháp rút đi bà con trong vùng đã chung tay làm lễ an táng ông rất trọng thể. Mộ ông được xây bằng xi măng, trên mộ có ghi “chi mộ Việt Nam ái quốc Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến”  vị quốc vong thân ngày 3/10 năm Quí mùi, tức ngày 22/11/1883, lập mộ ngày 19/2 năm Kỷ Dậu. Phần mộ hiện nay được xây dựng lại lần thứ 2 do ông Nguyễn Văn Giai  góp kinh phí vào năm 1969. Phần lăng có 4 gian xây dựng theo kiến trúc đình làng cổ truyền, mái lợp ngói âm dương, trên  mái đắp nổi hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Phía trước lăng 1m là miếu thờ Ngũ hành Thánh Mẫu với diện tích 1,8m x 1,5m được xây dựng vào năm 1970. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng một đài xi măng cẩn gạch bông 2 màu đỏ, trắng theo hình tháp. Theo các cụ già địa phương, đài được xây dựng để tưởng niệm các chiến sĩ đã theo Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến chiến đấu chống Pháp.

 Cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Văn Tiến tuy ngắn ngủi (khi hy sinh, ông vừa tròn 35 tuổi), nhưng đã để lại cho đời sau tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân. Hình ảnh bất tử của ông trước khi bị hành hình sống mãi trong kí ức người dân Long An. Hàng năm cứ vào ngày mùng 3/10 âm lịch, nhưng dân khắp nơi trong tỉnh và những vùng lân cận đều về Mỹ Lệ tổ chức lễ tưởng niệm người anh hùng vì nước hy sinh và chăm lo sửa sang phần mộ của ông một cách chân tình, chu đáo.

Là công trình lưu niệm một nhân vật lịch sử đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc - quần thể mộ và đền thờ Nguyễn Văn Tiến đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 818/UB.QĐ, ngày 26/8/1992.

 

Near by

Map