Rạch Núi là tên một con rạch nhỏ, là một nhánh sông của sông Rạch Cát, bao quanh một khu vực cao được dân gian gọi là Gò Núi Đất. Trên đỉnh gò có chùa Linh Sơn Tự hay chùa Núi được sư Nguyễn Quới xây dựng năm 1867.
Di tích Rạch Núi có niên đại C14 là 2.400 ± 100 năm cách ngày nay, tương đối muộn so với các di tích cùng thời ở Đông Nam Bộ, bao gồm nhiều loại hình công cụ lao động bằng đá, xương, sừng và đồ gốm nhưng không có đồ đồng, đồ sắt. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở chỗ: Rạch Núi, trên căn bản thuộc văn hóa Đồng Nai, nhưng có nhiều sắc thái riêng biệt do môi trường tại chỗ quy định. Đó là môi trường sình lầy, nước mặn, khác với vùng Đông Nam Bộ, do vậy đời sống của chủ nhân Rạch Núi cũng khác với cư dân Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu( Nguyễn Văn Mỹ) quan thần đại phu chính trị thời Kiến Hưng Quốc, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Rạch Núi là minh chứng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên đồng bằng sông Cửu Long với những hiện vật phong phú và có giá trị. Bên cạnh đó, di tích còn là minh chứng cho công cuộc phát triển bờ cõi của nhà Nguyễn ở phương Nam với ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu.
Di tích Rạch Núi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Quyết định số 38/1999-QĐBVHTT, ngày 11/06/1999./.