Ngoài vị trí đắc địa, Long An có tiềm năng khá phong phú về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, hệ thống sông Vàm Cỏ và các di tích văn hóa lịch sử có giá trị. Đây là những điều kiện cơ bản để Long An phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn.

Long An là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ; đồng thời, đóng vai trò là cửa ngõ kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có đường biên giới dài 132,97 km giáp với tỉnh Svay Riêng và Prây Veng (Vương quốc Campuchia); có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), 03 cửa khấu phụ (Hưng Điền A, Long Khốt thuộc huyện Vĩnh Hưng; Tân Hưng thuộc huyện Tân Hưng) và 07 lối mở. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, tỉnh Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 112 di tích lịch sử - văn hóa (21 di tích cấp quốc gia và 91 di tích cấp tỉnh); 02 bảo vật quốc gia; 05 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, 18 nghề truyền thống.

Long An có hệ thống hạ tầng du lịch khá thuận lợi, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển mạnh. Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương qua địa phận tỉnh; Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50 nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quốc lộ N2 nối các tỉnh miền Đông, Quốc lộ 62 đi Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, xuyên vùng Đồng Tháp Mười. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, Long An có sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là thế mạnh khai thác du lịch bằng đường thủy; có cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, Cảng Bourbon, Cảng biển Quốc tế Long An và  chỉ cách cảng hàng không Tân Sơn Nhất 45km.

Trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu ở Đồng Tháp Mười, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, rừng tràm Tân Lập,… với hệ động thực vật đa dạng. Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng, tất cả tạo nên một bức tranh làng quê Long An yên bình, mát dịu và trù phú.

Nhắc đến Long An không thể không nhắc đến những món ăn đặc sản như canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui, lẩu mắm, gạo Nàng thơm chợ Đào, rượu đế Gò Đen, thơm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành,… Mỗi đặc sản đều mang đậm phong cách của vùng đất và con người địa phương nên cũng là một yếu tố hấp dẫn khách du lịch.

Với lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú, trên địa bàn Long An có thể phát triển được những nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu sau:

- Du lịch tham quan: tham quan các điểm cảnh quan, các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, bảo tàng, làng nghề, v.v.

+ Di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng: Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (Khu di tích Bình Thành, huyện Đức Huệ), Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức); Bảo tàng Long An (TP. Tân An); Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa); Chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc);  Đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa); Khu di tích Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ); Khu lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP. Tân An); Nhà Trăm Cột ( huyện Cần Đước); Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước).

+ Làng nghề (làng nghề dệt chiếu cói ở xã Long Định, làng nghề đóng thuyền, làm bánh in (Cần Đước), làng nghề làm sản phẩm từ cây lục bình (Bến Lức, thị xã Kiến Tường), làng làm trống Bình An (Tân Trụ), làng chạm khắc gỗ, làm bánh tét (huyện Thủ Thừa), nghề đan, chầm nón lá (huyện Đức Hòa), làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (thành phố Tân An),... Tuy nhiên hầu hết những làng nghề này chưa đủ sức thu hút du khách cả từ góc độ lịch sử, quy trình và sản phẩm nghề cũng như cảnh quan và văn hóa bản địa). 

- Du lịch sinh thái: khám phá, trải nghiệm hệ sinh thái đất ngập nước (vùng trũng Đồng Tháp Mười, vùng cửa sông ven biển). Mặc dù có nhiều tiềm năng, đặc biệt là giá trị sinh thái cảnh quan hệ sinh thái đất ngập nước vùng trũng điển hình Đồng Tháp Mười, tuy nhiên các sản phẩm du lịch thuộc nhóm này mới trong giai đoạn đầu phát triển, vì vậy chưa tạo được sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù mà mới chỉ mang “màu sắc” của du lịch sinh thái. Điểm có tiềm năng nhất để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái là Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng), Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa),…

 - Du lịch đường thủy: trải nghiệm cảnh quan, các giá trị văn hóa làng quê, làng nghề, các di tích lịch sử văn hóa dọc sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

- Du lịch vui chơi giải trí, cuối tuần: tham gia các trò chơi hiện đại và dân gian, thư giãn, nghỉ ngơi vào những dịp lễ, cuối tuần ở những nơi có cảnh quan đẹp phục vụ nhu cầu của người dân Long An, đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là loại sản phẩm du lịch quan trọng nhằm góp phần kéo dài ngày lưu trú cũng như tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch. Tuy nhiên do nhiều lý do, trên địa bàn tỉnh hiện mới phát triển ở một số điểm với chất lượng chưa cao như: Khu vui chơi giải trí Khang Thông (Happyland) (huyện Bến Lức); Điểm du lịch thể thao, Sân Gôn West Lakes; Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ, Công viên nước RIO (huyện Đức Hòa),…

- Du lịch tham quan nghiên cứu: nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị của các di chỉ khảo cổ, các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng. Loại sản phẩm này chưa hình thành mặc dù là trên địa bàn tỉnh có nhiều giá trị về lịch sử văn hóa có khả năng khai thác, điển hình là Khu di tích khảo cổ học Bình Tả (thuộc nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ 1 - 6). Đây là di tích khảo cổ nổi tiếng ở Việt Nam nhưng do tính chất khảo cổ và hiện trạng bảo tồn chưa tốt nên chưa thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch và chưa có nhiều khách đến tham quan nghiên cứu.

- Du lịch nông thôn: trải nghiệm về đời sống và sản xuất của người nông dân, đặc biệt là ở những nơi có trang trại; tham quan, trải nghiệm về cảnh quan ở vùng nông thôn. Là một tỉnh nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười, phát triển mạnh về nông nghiệp với hàng trăm trang trại nhưng Long An chưa phát triển sản phẩm và loại hình du lịch nông thôn (trang trại, làng nghề). Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, thơm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa,…là những đặc sản địa phương có tiếng từ lâu nhưng việc sử dụng những đặc sản này để kết hợp xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến thương hiệu cho địa phương Long An chưa quan tâm đầu tư và thực hiện.

- Du lịch quá cảnh: khách từ Campuchia và khu vực qua cửa khẩu Bình Hiệp và khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến đồng bằng sông Cửu Long để có được những trải nghiệm ở vùng biên giới giữa 2 nước.    

Bên cạnh nhiều lợi thế quan trọng trong phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong Cụm, trong Vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển liên kết sản phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch Long An nhằm tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, là giải pháp tạo động lực để du lịch Long An "cất cánh".

Với tiềm năng du lịch dồi dào, Long An đang có những bước tiến quan trọng trong nỗ lực đưa du lịch tăng tốc và từng bước trở thành nền kinh tế mũi nhọn trên bản đồ phát triển kinh tế của Long An.