Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
KHU VỰC NHÀ DÀI
( Ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Chiến thắng Nhà Dài ngày 7/1/1946, đã gây một tiếng vang lớn, ảnh hưởng mạnh đối với chiến trường Nam bộ lúc bấy giờ. Đây là chiến công oanh liệt của quân và dân Cần Đước, Cần Giuộc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tên gọi Nhà Dài xuất phát từ nguồn gốc do trước kia ở làng Tân Lân có một căn nhà kho của ông Hương Cả Nam xây dựng để chứa lúa. Vì hình dạng đặc biệt của kho lúa này mà người dân nơi đây quen gọi là Nhà Dài và lưu truyền đến ngày nay.
Cuối năm 1945, để giữ vững quận lỵ Cần Đước, Cần Giuộc vừa đánh chiếm được, quân Pháp phải kiểm soát các con lộ chính, nhất là lộ 50 được xem như là huyết mạch giao thông của phía Nam Sài Gòn. Với ý đồ khai thông trục lộ giao thông quan trọng này, mỗi ngày, lúc sáng sớm đều có một xe Jeep và một xe tải nhẹ của Pháp đi tuần từ Sài Gòn xuống Cầu Nổi rồi quay lại Sài Gòn như là qui luật. Được nhân dân cung cấp tình hình, sau nhiều ngày theo dõi, quan sát nắm được quy luật đi lại của địch, biết chúng rất chủ quan, Ban Chỉ huy bộ đội liên huyện Cần Đước, Cần Giuộc quyết định mở trận phục kích nhằm tiêu diệt sinh lực. Kết quả trận đánh ta tiêu diệt được 1 trung đội địch, thu 20 khẩu súng và đạn, ta hy sinh một đồng chí.
Di tích lịch sử khu vực Nhà Dài là địa điểm ghi dấu chiến công của lực lượng võ trang Cần Đước, Cần Giuộc trong những ngày đầu kháng Pháp lần hai. Nó tiêu biểu cho tinh thần thông minh, sáng tạo trong việc ứng dụng địa hình để đánh địch thắng lợi. Đây cũng là trận đầu tiên tiêu diệt một trung đội địch bằng cách phục kích trên chiến trường Long An. Với những ý nghĩa lịch sử ấy, Khu vực Nhà Dài đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 818/UB.QĐ.92 ngày 26/8/1992.