LONG AN - VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
Đến đầu thế kỷ XVII, Long An vẫn còn là vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Đến giữa thế kỷ XVII, lưu dân người Việt đến định cư hoặc tạm trú ở Bến Nghé ngày càng nhiều hơn và từ đó theo sông Rạch Cát, họ phát triển dần xuống phía Nam, đặt chân vào vùng đất ngày nay là Cần Giuộc, Cần Đước. Ngoài ra, người dân phiêu tán miền Trung đi thuyền vượt biển thẳng vào cửa Soài Rạp, định cư ở hai bên địa vực sông Vàm Cỏ, tiến sâu vào đất liền thuộc địa vực Long An ngày nay. Những lưu dân từ hai hướng nói trên, trước tiên là chiếm ngụ và khai khẩn những giồng đất cao ráo vùng Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, các giồng đất ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Thế kỷ XVIII, lưu dân đến Long An từng bước phát triển việc khai phá lên phía vùng tây bắc (vùng Đồng Tháp Mười ngày nay)...
Tỉnh Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử, bởi đây là vùng đất chuyển tiếp giữa vùng đất cao Đông Nam Bộ và vùng trũng châu thổ sông Cửu Long, nằm áp sát phía Tây và Nam Sài Gòn và giáp với nước bạn Campuchia. Với vị trí chiến lược quan trọng ấy, Long An là nơi chiến sự diễn ra hết sức ác liệt, lâu dài, mà vai trò chính thuộc các thế hệ nhân dân. Qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, lòng yêu nước thiết tha, ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Long An đã kết tinh thành biểu tượng, thành truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Truyền thống này có cội nguồn từ lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc, được vun bồi qua phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX và chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Chợ Lớn - Tân An và phát triển đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ. Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ hai vào trung tuần tháng 9/1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”cho tỉnh Long An. Tám chữ vàng này là niềm tự hào to lớn, trở thành biểu tượng cô đọng trong lòng mỗi người dân Long An cũng như trong toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng đất nước, Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và hai quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa để trở thành tỉnh Long An có địa giới hành chính như ngày nay. Từ đó, chính quyền, quân và dân Long An cùng chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh và vươn lên xây dựng quê hương, đất nước. Trong thời kỳ xây dựng Tổ quốc sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người con ưu tú của Long An giữ vị trí quan trọng cấp cao của Đảng như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Trương Hòa Bình,...
Về Long An hôm nay, có thể nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất giàu truyền thống anh hùng. Từ vùng Đồng Tháp Mười vốn hoang hóa ngày trước, nay đã thay da đổi thịt, trở thành vùng đồng bằng trù phú với những đồng lúa mênh mông, đê bao khép kín và là vùng sản xuất lương thực lớn của cả khu vực.
Tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mọc lên nhộn nhịp. Hàng loạt dự án triển khai đi vào hoạt động, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động, góp phần đưa kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai đồng bộ với các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường 830,… giúp kết nối từ các khu, cụm công nghiệp, đô thị đến hệ thống cảng biển; kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực.
Những kết quả đó thật đáng tự hào. Những thế hệ nối tiếp cần kế thừa tinh thần trung dũng, kiên cường của quê hương, nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của cả nước.
Mời các bạn có thể tham khảo chi tiết Địa Chí Long An ở link http://thuvien.longan.gov.vn/Viewcontent/index.asp?ID=189