SAY LÒNG DU KHÁCH GHÉ BẾN TRÀNG AN

21/09/2020 920 0

Bến thuyền Tràng An thuộc khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình, có đến hàng ngàn chiếc thuyền với những nữ tay chèo luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Và 15km là chiều dài quãng đường mà du khách sẽ được người chèo thuyền đưa đi khám phá vẻ đẹp non nước nơi đây...

Dưới sông, những chiếc thuyền nhỏ neo đậu sát nhau xung quanh khu bến tạo nên một cảnh đẹp hữu tình

Dưới sông, những chiếc thuyền nhỏ neo đậu sát nhau xung quanh khu bến tạo nên một cảnh đẹp hữu tình

Dưới sông, những chiếc thuyền nhỏ neo đậu sát nhau xung quanh khu bến tạo nên một cảnh đẹp hữu tình. Trên bờ, từng tốp phụ nữ mặc áo xanh đứng, ngồi đợi khách hoàn tất thủ tục mua vé, xếp chỗ tại cổng vào. Bên dưới những tán cây, đội ngũ chèo thuyền đông đảo lên tới cả trăm người, hầu hết là những phụ nữ tuổi trung niên. Mỗi chuyến đò sẽ dài khoảng 15km với nhiều cảnh đẹp tha hồ cho du khách thưởng ngoạn.

Tràng An cách trung tâm TP.Ninh Bình chừng 7km. Địa hình sông nước nên khách tham quan di chuyển bằng thuyền. Bắt đầu từ năm 2008, khi danh thắng Tràng An được tu bổ và đưa vào hoạt động, diện tích lúa của các xã thuộc 2 huyện Gia Viễn và Hoa Lư được thu hồi để phục vụ du lịch thì phụ nữ ở các địa phương này cũng được tạo điều kiện để vào đội lái đò. Trung bình, mỗi người lái đò chở từ 4-5 du khách đi xuyên các hang động Tràng An. Bất kể thời tiết, mỗi người đều chuẩn bị một chiếc cặp lồng đựng cơm, chai nước, áo mưa và chiếu cho khách ngồi.

Nếu nói rằng, đến Tràng An, ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ với núi đá vôi cao ngút, sông nước trong xanh êm đềm, bốn mùa đều đẹp như tranh vẽ thì những chiếc thuyền vững tay chèo của các cô, các chị trong màu áo xanh cũng là một nét đẹp, tạo nên một điểm nhấn ở bến Tràng An.

Để có một “mái chèo” trong bến Tràng An, tất cả chị em trong đội chèo đò phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề. Những kỳ sát hạch nghiêm túc trong hang Địa Linh dài hơn 400m và có nhiều đoạn khó đi thường xuyên được tổ chức. Sau những phần thi cam go, các chị mới được cấp thẻ hành nghề. Đi trọn vẹn một chuyến thăm đất Tràng An mới thấy sự tài hoa của người chèo khi luồn lách qua các hang động, nhuần nhuyễn tới, lui những chỗ hẹp, chỗ nông, sâu. Điều thú vị là các chị lái đò ở đây đều am hiểu sông nước, sự tích những hang động, những di tích khắp vùng Tràng An để sẵn sàng thuyết minh cho khách. Đây cũng là cách quảng bá trực tiếp, sinh động những nét văn hóa, truyền thống lịch sử của Ninh Bình.

Hành trình khám phá sông nước Tràng An đưa du khách đến với nhiều hang động, trong đó có hang Nấu Rượu

Hành trình khám phá sông nước Tràng An đưa du khách đến với nhiều hang động, trong đó có hang Nấu Rượu

Quãng đường thăm thú Tràng An bằng thuyền mất hơn hai giờ đồng hồ. Quãng đường dài không phải lúc nào cũng thẳng, rộng mà có những đoạn thuyền chuyển vào khúc hẹp, hai bên là núi đá cao sừng sững hoặc phải luồn lách trong những hang động. Tốc độ của con đò lúc này cũng không nhanh như trước. Qua những đoạn lối đi chỉ vẻn vẹn vừa chiếc đò khiến người lái phải “căng mình” điều khiển, luồn lách cho đò đi đúng hướng. Lái thật chuẩn để đò không va vào đá, du khách cũng không chạm vào những nhũ đá ở phía trên đầu thể hiện tài nghệ của những người chèo đò. Và trong mỗi chặng dừng trên suốt hành trình lênh đênh sông nước, vẻ đẹp của đất trời Tràng An dần được hé mở trước mắt du khách. Ngạc nhiên trước sự trong vắt của làn nước có lẽ là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân xuống thuyền. Những hang động tự nhiên trên chuyến đi luôn là trải nghiệm thú vị nhất. Chuyến hành trình sông nước Tràng An cũng đưa du khách ghé thăm các di tích như đền, miếu và chùa cổ. Có tất cả 12 hang động trong chặng đường 15km (hang Sáng, Tối, Địa Linh, Nấu Rượu,...), 3 ngôi đền và phủ là đền Trình, đền Trần, phủ Khống. Tràng An mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng hay có thể nói như “khoác” những “tấm áo mới” suốt bốn mùa. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Tràng An theo người địa phương là khoảng từ tháng 1-3, tức mùa xuân khi tiết trời mát mẻ lại ít mưa, phù hợp cho việc ngồi thuyền tham quan. Đồng thời, đây cũng là mùa lễ hội ở chùa Bái Đính nên có thể kết hợp du xuân vãn cảnh chùa. Nếu muốn tham gia lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư (hội Trường Yên/ hội Cờ Lau) thì nên đi các ngày 8-10 tháng 3 Âm lịch. Và để "săn" mùa lúa chín ở Tràng An, khoảng thời gian tốt nhất là vào tháng 6 đến tháng 8. Thời điểm này có thể đi thuyền và ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng hay các đầm sen đương mùa nở rộ thơm ngát…

Tràng An, ngoài non nước hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ thì hình ảnh đọng lại trong lòng khách thập phương còn là chân dung sống động của những nữ tay chèo trong cách họ lao động, mưu sinh./.

Nguyễn Hà

Nguồn từ Báo Long An

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu