TRỞ LẠI NHỮNG ĐỊA CHỈ ĐỎ

18/08/2020 701 0

Di tích lịch sử (DTLS) Ngã tư Rạch Kiến (xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và DTLS Khu vực cầu Kinh (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã trở thành những “địa chỉ đỏ” lưu dấu những chiến công không thể lãng quên, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Hành trình về địa chỉ đỏ
Khu DTLS Ngã tư Rạch Kiến bây giờ được trùng tu, nâng cấp khang trang. Nơi đây tái hiện lịch sử một thời là những sân bay dã chiến, bãi pháo, câu lạc bộ sĩ quan, khu trại quân sự của căn cứ Mỹ; thể hiện ý chí và sự sáng tạo của Đảng bộ và quân, dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 23/12/1966, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 9 quân viễn chinh Mỹ đánh chiếm Rạch Kiến. Về phía ta, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thế trận vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được hình thành với phạm vi 12 xã: Long Hòa, Tân Trạch, Long Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy của huyện Cần Đước và 2 xã: Phước Lâm, Thuận Thành của huyện Cần Giuộc. 

Di tích Ngã tư Rạch Kiến - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Long An góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Năm 1996, Khu DTLS Ngã tư Rạch Kiến được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Di tích có mô hình tóm tắt diễn biến của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, tái hiện cuộc đấu tranh sau gần 1.000 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân ta. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân và 3 mũi giáp công, quân và dân ta đã diệt, làm bị thương hàng ngàn tên lính Mỹ - ngụy và bắn rơi 17 máy bay, phá hủy 20 xe thiết giáp,... giữ vững vùng giải phóng. Ngoài ra, nhiều hiện vật mà các tầng lớp nhân dân đã từng sử dụng làm vũ khí đấu tranh với quân địch trong phong trào khởi nghĩa cũng được trưng bày.

Rời Khu DTLS Ngã tư Rạch Kiến, chúng tôi đến thăm DTLS Khu vực cầu Kinh được công nhận DTLS cấp tỉnh năm 1993. Nơi đây từng diễn ra trận đánh đầu tiên và ác liệt nhất trong Chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc (từ ngày 05/6 đến 20/7/1967, ở ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc). 

Ở khu vực cầu Kinh, trận đánh đầu tiên và ác liệt nhất là trận Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội 316 (Cần Giuộc) và trận Lữ đoàn 2 - Sư đoàn 9 Mỹ, Trung đoàn 46 - Sư đoàn 25 của chính quyền Sài Gòn cùng nhiều vũ khí và phương tiện cơ giới hiện đại đánh vào khu vực vùng hạ Cần Giuộc nhằm xóa bỏ vùng giải phóng của quân và dân ta. 

Di tích lịch sử Khu vực cầu Kinh thuộc xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc

Ông Nguyễn Văn Kiểm (SN 1946) - cựu chiến binh của Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, từng chiến đấu tại DTLS Khu vực cầu Kinh và cũng là người đang trông nom, giữ gìn khu di tích, cho biết: “Cầu Kinh là địa bàn chiến lược với địa hình, địa thế quan trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến. Chiến thắng cầu Kinh là chiến công hiển hách của Đảng bộ, quân và dân Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đây, góp phần làm phá sản chiến lược phản công của địch, giúp ta giữ vững vùng giải phóng và giành thế chủ động trên chiến trường, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của dân tộc ta”.

Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Chiến tranh đã lùi xa, việc gìn giữ, phát huy giá trị của các DTLS có ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ; đồng thời đây cũng là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trung bình mỗi năm, 2 khu di tích trên đón tiếp hàng chục đoàn khách đến tham quan.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước - Võ Thành Ngon, hàng năm, tại DTLS Ngã tư Rạch Kiến, nhiều hoạt động như lễ báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống diễn ra xúc động và ý nghĩa. Di tích này thực sự là một chứng tích, giúp khách tham quan hình dung về những câu chuyện, sự kiện lịch sử từng diễn ra.

Phó Bí thư Đoàn trường THPT Rạch Kiến - Nguyễn Thanh Tiến phấn khởi: “Ban Giám hiệu nhà trường và Ban Chấp hành Đoàn trường nhận thấy công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, học sinh thông qua việc tìm hiểu về lịch sử địa phương nói chung và DTLS Ngã tư Rạch Kiến nói riêng rất quan trọng, cần được duy trì trong mỗi năm học. Hàng năm, định kỳ vào tháng 4, trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tháng, Đoàn Thanh niên tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương; vào tháng 7 thì tổ chức tham quan DTLS Ngã tư Rạch Kiến và thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương. Riêng trong năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Đoàn Thanh niên chỉ thực hiện Chương trình phát thanh học đường về lịch sử quê hương tôi. Qua đây, giúp các thế hệ học sinh thêm tự hào và yêu quê hương, đất nước của mình hơn,...”.

Em Đào Nguyễn Thùy Linh - sinh viên năm 3, Trường Học viện Cán bộ TP.HCM, chia sẻ: “Em rất tự hào khi nơi mình sinh sống có DTLS Khu vực Cầu Kinh. Thế hệ trẻ chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập rèn luyện thật tốt để không phụ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước, nguyện cống hiến và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Về thăm các khu DTLS, chúng tôi hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn về lý tưởng và sự hy sinh của lớp thế hệ cha, ông. Chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến./.

Chiến thắng cầu Kinh là chiến công hiển hách của Đảng bộ Long An và quân, dân trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng này góp phần làm phá sản chiến lược phản công của địch, giúp ta giữ vững vùng giải phóng và giành thế chủ động trên chiến trường, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của dân tộc ta”.

Hùng Thanh

Nguồn Báo Long An

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu