Căn nhà số 17 từng là cơ sở bí mật quan trọng thuộc dạng “đầu não” của tỉnh, ngày nay vẫn thường lặng im khép cửa giữa phố chợ ồn ào
Căn nhà số 17 lặng lẽ nép trong góc phố tại đường Nguyễn Duy, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An. Với nét cũ kỹ nhuốm màu thời gian, căn nhà có vẻ bị “lép vế” trước sự náo nhiệt của phố phường. Ít ai biết, tại căn nhà 1 trệt, 1 lầu này hơn 80 năm trước là địa điểm tin cậy của cách mạng, cơ sở bí mật, nơi làm việc của Tỉnh ủy Tân An xưa.
Nguyễn Duy (phường 1, TP.Tân An) là tuyến đường thuộc khu vực chợ Tân An, các căn nhà hai bên đường đều trở thành quầy hàng, nhiều người mua, kẻ bán. Duy chỉ có căn nhà số 17 là lặng lẽ khép im cánh cửa. Trước đây, căn nhà này là quầy thuốc Minh Xuân Đường và cửa hàng bán hàng xẻn, cũng đông đúc và nhộn nhịp chẳng kém gì.
Và... phía sau quầy bốc thuốc Minh Xuân Đường ngày ấy là cơ sở cách mạng, trụ sở Tỉnh ủy khi còn hoạt động bí mật. Tại đây, vào ngày 21/8/1945, hai đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân đã họp nhanh, ra một quyết định đầy quyết đoán, táo bạo, mang tính lịch sử: Tiến hành khởi nghĩa, trước khi quyết định Tân An khởi nghĩa thí điểm của Xứ ủy về tới. Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng, trở thành tiếng vang, làm nức lòng phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
Nằm ngay “trước mũi” quân thù, nhưng từ khoảng năm 1936, nhà thuốc Minh Xuân Đường đã trở thành nơi liên lạc của các cơ sở Cách mạng miền Đông và miền Tây, là một cơ sở bí mật quan trọng của ta. Sau Khởi nghĩa Nam kỳ, các cơ sở cách mạng ở Tân An gần như tan rã hoàn toàn, đến năm 1943 mới được nhen nhóm lại. Năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tân An được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhà thuốc Minh Xuân Đường tiếp tục là trụ sở bí mật, địa điểm liên lạc, hội họp của Tỉnh ủy Tân An. Với vỏ bọc là thầy thuốc kê đơn và người phụ việc tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, các đồng chí đã xây dựng, củng cố phong trào, phát triển lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ngay trước mắt địch.
Với giá trị lịch sử đặc biệt và kiến trúc đặc trưng, 2 địa điểm từng là “trụ sở” Tỉnh ủy có nhiều tiềm năng khai thác du lịch và là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ (Trong ảnh: Dinh Tổng Thận hiện nay)
Căn nhà số 17 là nơi lưu dấu nhiều sự kiện trọng đại trong phong trào cách mạng của tỉnh. Ít ai biết được rằng, bên trong căn hộ nhỏ, hẹp và trầm mặc ấy từng là nơi sôi sục và hừng hực khí thế chiến đấu trước ngày khởi nghĩa. Ở đó, từng là nơi tập trung đảng viên làm công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa: Kẻ truyền đơn, chuẩn bị khẩu hiệu,…; đồng thời cũng là nơi họp bàn chớp nhoáng để đưa ra quyết định khởi nghĩa vào ngày 21/8/1945 trong tình thế cấp bách.
Căn nhà là "nhân chứng" cho sự thông minh, tài giỏi và táo bạo của các đảng viên, chiến sĩ cách mạng ta trong thời kỳ hoạt động bí mật. Suốt thời gian khoảng 10 năm, nhà thuốc Minh Xuân Đường là cơ sở bí mật quan trọng thuộc dạng “đầu não” của tỉnh vẫn không hề bị địch phát hiện.
Sau khi khởi nghĩa thành công, Tỉnh ủy dời về Dinh Tổng Thận. Nơi đây, Tỉnh ủy đã có 3 cuộc họp nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng lúc bấy giờ: Củng cố chính quyền, xây dựng các lực lượng cách mạng, tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng, nắm bắt ý dân, xét xử tội phạm,... Phiên họp thứ 3 diễn ra cuối tháng 9/1945 nhằm chuẩn bị kháng chiến, là hội nghị quan trọng, có tính chất chuyển hướng về nhiệm vụ chiến lược: Từ xây dựng chính quyền sang tích cực củng cố bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.
Hiện nay, căn nhà số 17 và Dinh Tổng Thận vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu và được công nhận là di tích lịch sử. Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nhà số 17 và Dinh Tổng Thận trở thành "nhân chứng" lịch sử, nơi nhắc nhớ truyền thống trung dũng, kiên cường của Long An từ những ngày tháng Tám hào hùng. Bên trong nhà số 17 và Dinh Tổng Thận đều trưng bày thông tin, hình ảnh về những sự kiện đã diễn ra tại đó. Với giá trị lịch sử đặc biệt và kiến trúc đặc trưng, 2 địa điểm từng là “trụ sở” Tỉnh ủy trên có nhiều tiềm năng khai thác du lịch và là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.
Quế Lâm
(Bài viết dựa vào hồ sơ di tích của Nhà thuốc Minh Xuân Đường và Dinh Tổng Thận)
Nguồn Báo Long An