Thủ Thừa là tên một khu chợ, một dòng kênh, một thị trấn và một huyện trong tỉnh Long An. Đó là địa phương duy nhất của tỉnh mang tên một danh nhân, người khai mở nên vùng đất Thủ Thừa ngày nay.
Đình Vĩnh Phong vẫn trang nghiêm ở đó, bên Rạch Cây Gáo, cạnh chợ Thủ Thừa. Hàng năm, người dân vẫn tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 10/10 Âm lịch
Phố thị hình thành nơi giáp nước
Trong bài hát viết về quê hương Thủ Thừa, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải có đoạn “lưu khách thương hồ mơ về nơi giáp nước” để nhắc nhớ một thời Thủ Thừa là chốn dừng chân ngơi nghỉ của khách thương hồ, khu vực phát triển khá sầm uất vì nằm trên tuyến giao thông quan trọng của miền Nam cả đường bộ (đường Thiên Lý) và đường thủy (kênh Trà Cú nay là kênh Thủ Thừa).
Sách sử có chép rằng: “Vào thế kỷ XIX, có một người tên là Mai Tự Thừa, người làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đến làng Bình Lương Tây (nay là xã Bình Thạnh) khai phá đất đai. Ông cất nhà tại bờ Nam kênh Trà Cú ngay vàm rạch Cây Gáo. Kênh Trà Cú nối 2 sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông) và sông Hưng Hòa (Vàm Cỏ Tây). Chỗ ông cất nhà tại ngay giáp nước, ghe thuyền xuôi ngược đều dừng lại nơi đây để chờ con nước, hình thành một cụm dân sinh trên sông nước. Họ trao đổi với nhau về việc mua bán, từ đó ngày càng sầm uất”.
Nói về cụm từ "nơi giáp nước", nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Quốc giải thích: “Giáp nước là nơi giao nhau giữa 2 dòng chảy, tại nơi đó nước không chảy. Vị trí giáp nước thay đổi theo cường độ 2 dòng nước. Ở Long An có một số điểm giáp nước đi vào lịch sử: Kênh Thủ Thừa, chợ Tân Bửu (huyện Bến Lức), chợ Kênh Nước Mặn (huyện Cần Đước),...”.
Nơi ông Mai Tự Thừa cất nhà, mở tửu quán trên bờ kênh Trà Cú là nơi giáp nước nên khách thương hồ ghé lại ngày một đông đúc. Họ dừng lại đó chờ con nước, nghỉ ngơi và trao đổi, mua bán,... dần về sau phát triển thành chợ, dân cư đông đúc, mua bán sôi nổi. Làng Bình Thạnh do ông Mai Tự Thừa khai mở được thành lập trên cơ sở đó.
Do biến cố của lịch sử, ông Mai Tự Thừa theo Lê Văn Khôi nên bị triều đình xóa bỏ mọi công lao mở làng, lập ấp. Tuy nhiên, trong lòng người dân thì ông luôn được ghi nhớ công ơn. Đình Vĩnh Phong được người dân lập nên vì lẽ ấy. Ban đầu, đình là miếu Bà Ngũ Hành, ông Mai Tự Thừa được thờ bên trái. Về sau, miếu được đổi thành đình Vĩnh Phong và ông Mai Tự Thừa được thờ với bài vị “Tiền hiền Mai Tự Thừa - chủ thị”.
Nói về địa danh Thủ Thừa, có nhiều giả thuyết được đặt ra: Trước đây, ông Mai Tự Thừa từng đỗ thủ khoa nên gọi tắt là Thủ Thừa hoặc ông là người từng giữ chức vụ thu thuế “thủ ngự” hoặc canh gác giữ gìn trật tự “tuần thủ”. Nhưng các nhà nghiên cứu nghiên về giả thuyết ông Mai Tự Thừa từng là “thủ ngự”.
Thủ Thừa hôm nay
Ngày nay, trở về địa danh Rạch Cây Gáo xưa, ta sẽ thấy một khu chợ đông đúc tên là chợ Thủ Thừa. Đường Thiên Lý không còn. Kênh Trà Cú không là đường lưu thông chính yếu của người dân nữa nên khu chợ không phải là điểm giao thương sầm uất như xưa nhưng khu chợ vẫn còn để phục vụ người dân địa phương và vẫn luôn đông đúc. Đó là chợ Thủ Thừa, thuộc thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa. Dòng kênh Trà Cú cũng được đổi tên là kênh Thủ Thừa.
Thị trấn Thủ Thừa mùa lũ năm 2000 (ảnh địa phương cung cấp)
Thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa ngày nay không phải là địa phương phát triển nổi bật trong tỉnh nhưng những đổi thay cũng giúp đời sống người dân được nâng lên nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ khu phố Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa, kể: Ngày trước thị trấn còn nhiều khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn. Mùa lũ về, nước hay ngập vào thị trấn. Nhưng giờ đây, điều đó chỉ còn là ký ức. Đời sống người dân được nâng lên về cả vật chất lẫn tinh thần. Bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Chợ đêm thị trấn được đưa vào hoạt động. Tất cả 5 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa là một trong những trường tiểu học có cơ sở vật chất đứng hàng đầu trong tỉnh.
Chủ tịch UBND thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Văn Nam cho biết: “Sự thống nhất, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân đã giúp thị trấn thay đổi từng ngày. Nhân dân luôn sẵn sàng hiến kế, hiến công, hiến đất xây dựng và chỉnh trang đô thị. Các công trình đầu tư phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bộ mặt thị trấn khang trang hơn so với trước, tạo chuyển biến về nếp sống văn minh đô thị. Quốc phòng - an ninh được giữ vững,... tạo nền tảng vững chắc cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của mỗi người dân. Qua những kết quả trên, năm 2017, thị trấn Thủ Thừa được UBND tỉnh công nhận thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Khu vực Rạch Cây Gáo, nơi ông Mai Tự Thừa cất nhà, mở tửu quán xưa
Ngày nay, Thủ Thừa không còn là vùng giao thương sầm uất như ngày mới khai làng, lập ấp. Nhưng công ơn người khai mở Mai Tự Thừa vẫn được người dân ghi nhớ. Đình Vĩnh Phong vẫn trang nghiêm ở đó, bên Rạch Cây Gáo, cạnh chợ Thủ Thừa. Hàng năm, người dân vẫn tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 10/10 Âm lịch./.
Phương Phương
Nguồn từ Báo Long An