Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản phục vụ phát triển du lịch

02/10/2020 798 0

Các nền tảng công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch, trở thành phương tiện làm đa dạng hóa các hình thức tham quan và hỗ trợ trong công tác bảo tồn các giá trị di sản. Công nghệ cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của ngành Du lịch trong tương lai.

Trưng bày online tại Hoàng Thành Thăng Long

Ứng dụng công nghệ tại các vùng di sản phục vụ khách du lịch

Nhiều năm gần đây, hàng loạt những ứng dụng trên điện thoại thông minh được phát triển mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho nhu cầu của khách du lịch như những ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm những địa chỉ, điểm tham quan, di sản cùng hệ thống cơ sở giải trí, vui chơi, lưu trú. Từ đó, khách du lịch có thể dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu, sở thích và điều kiện tài chính của mình. Bên cạnh đó, tại nhiều vùng du lịch đặc biệt như các di sản, khu du lịch, những ứng dụng này cũng có thể dễ dàng thay thế cho bản đồ giấy, có thể sử dụng ngoại tuyến và làm nhiệm vụ như một hướng dẫn viên du lịch.

Điển hình tại vùng di sản vịnh Hạ Long hiện nay, những ứng dụng này đã cập nhật nhanh chóng danh sách nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở vui chơi, hệ thống điểm đến giúp khách du lịch có cái nhìn tổng quan nhất. Bà Hannah Miller, du khách tới từ Mỹ cho biết, "trên các ứng dụng TripAdvisor, Booking, thông tin đặt phòng và các tour tham quan tại Hạ Long rất đầy đủ và chi tiết. Khi tới đây chúng tôi cũng sử dụng một số website bằng tiếng Anh để tham khảo thông tin, xem chỉ dẫn tới một số quán ăn địa phương, điểm đến ít phổ biến hơn". Ngoài Hạ Long, Tp. Uông Bí cũng là nơi có nhiều điểm đến hấp dẫn đã ra mắt ứng dụng cho điện thoại thông minh Dulichuongbi, gợi ý các lịch trình mẫu kèm dự kiến kinh phí, thời gian để du khách tự khám phá theo nhu cầu và điều kiện cụ thể.

Mô hình tham quan trực tuyến ứng dụng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Đặc biệt gần đây, công nghệ thực tế ảo đã chứng minh được vai trò trong hoạt động du lịch. Điển hình là những bảo tàng công nghệ 3D, 4D với hệ thống thuyết minh tự động thu hút sự chú ý của khách tham quan. Nhờ hình thức mới sinh động, hệ thống dữ liệu và hình ảnh trực quan đã kích thích sự tò mò của khách du lịch. Công nghệ này vừa hỗ trợ công tác bảo tồn các vùng di sản, vừa giúp công nghệ thực tế ảo đạt tầm cao mới. Điển hình, một số công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) như lăng Tự Đức, cung An Định, bức tranh Long Vân Khế Hội (chùa Diệu Đế) đã ứng dụng công nghệ 3D phục vụ khách du lịch.

Các nền tàng công nghệ hiện đại đã mở ra hướng đi mới cho việc phát triển du lịch, giúp hình ảnh vùng di sản được thể hiện mới mẻ hơn, thu hút hơn với khách du lịch.

Phục dựng, bảo tồn di sản

Đến thời điểm hiện tại, công nghệ 3D được coi như một biện pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn những di sản đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp hoặc hư hỏng. Công nghệ scanning 3D góp phần giúp các di sản có thể trường tồn được trong môi trường công nghệ số, bảo đảm giá trị di sản không bị mất đi.

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã giao Trường Đại học Duy Tân triển khai đề tài khoa học “Số hóa phố cổ Hội An trên nền công nghệ 3D nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản Việt Nam ra thế giới”. Để thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý và mô phỏng thực tế ảo các công trình, vật thể kiến trúc có giá trị tại trục đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng (trong đó số hóa và mô phỏng thực tại ảo chi tiết 6 di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc).

Công nghệ tái hiện lại các di sản

Các dự án số hóa di sản văn hóa, nghệ thuật cả vật thể và phi vật thể cũng đang được nhiều nhà nghiên cứu tại nước ta thực hiện. Trong đó, các dự án này đều hướng sự ưu tiên dành cho những di sản đang có nguy cơ mai một cao nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép. Tiếp đó là những di sản có giá trị lịch sử, du lịch nhằm mục tiêu quảng bá, giáo dục và thương mại. Nhiều vùng di sản tự nhiên đã bị mất đi do ảnh hưởng của tự nhiên, địa chất, con người cũng được tái hiện lại thông qua kho dữ liệu số, hình ảnh thực tế ảo giúp khách du lịch tìm hiểu về những giá trị ý nghĩa.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn di sản cũng gặp những khó khăn nhất định. Trước hết, nhiều dữ liệu về di sản thường có liên quan đến những công trình nghiên cứu lịch sử, vì vậy bản quyền cần được đảm bảo để trong quá trình quảng bá, giới thiệu hình ảnh di sản không bị vướng vào các thủ tục pháp lý. Mặt khác, nhiều kỹ thuật công nghệ cũng cần được cải tiến hơn nữa nhằm tránh làm tổn hại giá trị di sản. Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, mà ở các nước tiên tiến, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đều gặp những khó khăn về phương pháp và kỹ thuật. Đơn cử việc số hóa không gian lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ có thể áp dụng với phim, ảnh số, ghi âm.... nhưng rất khó có thể sử dụng các phương tiện này số hóa kỹ năng chỉnh chiêng của những nghệ nhân.

Công nghệ góp phần quan trọng trong việc phục dựng, bảo tồn và quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, giá trị của các di sản. Tuy nhiên, những công nghệ này cũng cần được ứng dụng linh hoạt, tránh làm tổn hại đến giá trị di sản.

Khải Bình - Hà Trang

 

 

Nguồn từ Báo Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu