ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN TẦN SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN

28/08/2020 783 0

Kỷ niệm 79 năm ngày mất đồng chí Võ Văn Tần (1941-2020) - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, là niềm tự hào và biểu tượng cho hào khí quật cường, tinh thần bất khuất của người con Đức Hòa, tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.

1. Đồng chí Võ Văn Tần là chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng - người cộng sản kiên trung, sáng ngời lý tưởng và đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Ông sinh năm 1891 trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa.

Năm 1926, từ Hội kín Nguyễn An Ninh, ông chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có sự phân hóa, năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng nhưng vẫn tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc và gầy dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

Theo thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa - Adiz Giàu, ngày 06/3/1930, sau Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa, cũng là chi bộ sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Giỏi vận động và có tài tổ chức, đồng chí Võ Văn Tần nhanh chóng phát triển phong trào.

Thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa - Adiz Giàu trình bày về tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần

Tháng 5/1930, ông được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa, một trong số Quận ủy đầu tiên trong tỉnh. Ngày 04/6/1930, đồng chí Võ Văn Tần cùng với đồng chí Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa. Cuộc biểu tình bị đàn áp, đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.

Cuối năm 1931, ông thay Lê Quang Sung (bị bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Từ năm 1932-1935, trong điều kiện thực dân Pháp đàn áp khủng bố gắt gao, ông chuyển hướng hoạt động về quê mẹ ở làng Tân Thới Thượng, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định; đồng thời vẫn cải trang đi - về Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn để liên lạc, chỉ đạo xây dựng cơ sở, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm người tái lập Xứ ủy. Ông lần lượt trải qua nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932), cán bộ Xứ ủy (1933), trở lại thay Trương Văn Bang (bị bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vào cấp ủy Đặc ủy Vàm Cỏ Đông (1934), ông góp công sức lớn vào việc khôi phục tổ chức và phong trào cách mạng ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Trà Vinh, tham gia xây dựng lại Xứ ủy.

Khi Xứ ủy được phục hồi (5-1935) và sau Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Tần được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy (người em là Võ Văn Ngân làm Bí thư). Năm 1937, Võ Văn Ngân bị bệnh, Võ Văn Tần được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Được làm việc trực tiếp và học tập kinh nghiệm từ các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,… đồng chí Võ Văn Tần phát huy vai trò lãnh đạo, năng động trong việc gây dựng, mở rộng và phát triển phong trào cách mạng không chỉ ở Gia Định, miền Đông mà còn ở các tỉnh miền Tây Nam kỳ.

Ngày 21/4/1940, do có kẻ khai báo, ông bị địch bắt ở Hóc Môn và kết tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc bạo loạn ở Nam kỳ”. Trong lao tù chờ ngày lãnh án tử hình, dù bị địch tra tấn dã man, ông luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất và khí tiết của người cộng sản. Ngày 28/8/1941, ông bị thực dân Pháp đem xử bắn cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai,… tại mô bắn Hóc Môn. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút bất hủ trên xà lim nơi kẻ thù giam giữ: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng...”.

2. Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa - nơi ôn lại quá khứ hào hùng về những trang sử vẻ vang của dân tộc. Hàng năm, Huyện đoàn Đức Hòa tổ chức các cuộc Về nguồn, gặp mặt truyền thống, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, giúp các em học sinh, đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc, góp phần hun đúc lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tin và tự hào của thế hệ trẻ.

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần nằm trong Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Huỳnh Tiến Sỹ - học sinh lớp 11D5, Trường THPT Hậu Nghĩa, cho biết: “Thông qua các hoạt động về nguồn bổ ích do nhà trường tổ chức đã giúp chúng em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Cảm nhận trong em là sự tôn kính và lòng biết ơn đối với người chiến sĩ cộng sản kiên trung Võ Văn Tần và với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Bản thân em và thế hệ trẻ sẽ cố gắng phấn đấu và không ngừng học tập, rèn luyện”.

Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh cho biết: Thời gian qua, Huyện đoàn đã triển khai các giải pháp thiết thực; chỉ đạo cơ sở nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và đẩy mạnh việc chăm sóc, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, chú trọng giáo dục về truyền thống cách mạng. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi của tuổi trẻ Đức Hòa quyết tâm thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về lòng trung thành của người chiến sĩ cộng sản kiên trung với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay luôn tưởng nhớ đến công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng anh hùng, bất khuất, ra sức học hỏi, rèn luyện, bồi đắp, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Hùng Thanh

Nguồn từ Báo Long An

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu